Mấy ngày gần đây giới kinh doanh thiết bị truyền hình xôn xao trước thông tin các mặt hàng thiết bị truyền hình sẽ tăng giá bán lẻ từ 20-30% ngay từ đầu tháng 3 này. Nguyên nhân là tất cả các phụ kiện, nguyên vật liệu để sản xuất thiết bị truyền hình đều được nhập từ Trung Quốc. Và trong đầu năm 2017, các nhà cung cấp nguyên vật liệu ở Trung Quốc đã đồng loại thông báo tăng giá bán vật liệu. Dẫn tới việc các nhà sản xuất mặt hàng đầu thu, anten, chảo thu truyền hình đều phải tăng giá bán.
Ông Lương Tuấn Dũng, Giám đốc Công ty Điện tử Viễn thông Dũng Nam (Dunals) cho biết, giá cả nguyên vật liệu trên có biến động rất lớn, cụ thể giá đồng tăng 35%, thép tăng 18%, nhựa ABS tăng 30%, nhôm tăng 6%, IC và các linh kiện điện tử tăng 5%. Những đơn vị sản xuất như Dunals phải nhập khẩu phần lớn nguyên vật liệu ở Trung Quốc vì trong nước không có nên giá thành sản phẩm phải tăng theo giá nguyên vật liệu.
Ông Dũng cho hay, từ đầu tháng 3, Dunals sẽ tăng giá bán các sản phẩm trên thị trường như: Anten parabol (chảo thu) tăng 20%, anten chấn tử đồng dùng để thu truyền hình số mặt đất tăng 20%, Anten chấn tử nhôm dùng để thu truyền số mặt đất tăng 5%. Riêng đối với hai loại đầu thu truyền hình vệ tinh và đầu thu DVB-T2 Dunals vẫn giữ nguyên giá bán do còn hàng tồn. Nhưng sau khi bán hết lô hàng này, ở những lô hàng đầu thu sau Dunals chắc chắn phải tăng giá bán ít nhất 10% hoặc có thể hơn nữa.
“Sở dĩ sau Tết, ở VN vẫn còn anten và đầu thu tồn nên giá bán chưa tăng, nhưng chỉ cần khoảng 1 tháng nữa thôi là tất cả các nhà sản xuất và lắp ráp anten, đầu thu sẽ phải tăng giá bán hết. Sẽ không ai có thể giữ được giá bán cũ vì linh kiện nhập khẩu đều tăng giá ở mức khá cao”, ông Phú cho hay.Ông Huỳnh Phú, Phó Giám đốc Công ty Vũ Hồng Minh cũng cho hay, đầu năm 2017 công ty Vũ Hồng Minh đã nhận được thông báo của các đối tác Trung Quốc báo giá tăng tất cả các nguyên vật liệu để sản xuất anten, đầu thu, có những nguyên liệu chính để sản xuất đầu thu tăng giá tới 30%.
Việc tăng giá bán anten và đầu thu truyền hình chắc chắn sẽ tác động mạnh tới thị trường, vì tới ngày 1/7/2017 tới đây sẽ tắt sóng truyền hình analog ở 15 tỉnh thuộc giai đoạn 2. Dự kiến số lượng đầu thu truyền hình DVB-T2 và anten sẽ tiêu thụ lên đến hàng triệu bộ.
Bên cạnh đó, việc tăng giá bán đầu thu truyền hình và anten cũng tác động rất lớn đến dự án hỗ trợ đầu thu cho các hộ nghèo, cận nghèo mà Bộ TT&TT đang triển khai.
Theo tính toán của Cục Tần số Vô tuyến điện, trong số 15 tỉnh sẽ tắt sóngtruyền hình analog đợt 1/7/2017 có gần 590.000 hộ nghèo, cận nghèo, lớn hơn tổng số đầu thu đã hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo của giai đoạn 1 và đợt 1 của giai đoạn 2. Với giá tiền chi hỗ trợ đầu thu, anten và công lắp đặt như năm 2016 trung bình 600.000 đồng/hộ, dự tính nhà nước sẽ chi khoảng 354 tỷ đồng. Tuy nhiên, với việc giá đầu thu và anten đột ngột tăng lên khoảng 10% thì Nhà nước sẽ phải chi vượt thêm tới hơn 35 tỷ đồng cho riêng dự án này.
Cũng liên quan đến kinh phí chi hỗ trợ đầu thu cho hộ nghèo, cận nghèo. Tại phiên họp thứ 13 Ban chỉ đạo Số hóa truyền hình hôm 14/2/2017, vấn đề xin điều chỉnh kinh phí đã được đặt ra do chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều đã chính thức được vận dụng từ năm 2016 nên số lượng hộ nghèo, cận nghèo tăng cao hơn so với thời điểm Đề án số hóa truyền hình được phê duyệt vào năm 2013. Số tiền cần chi cho hỗ trợ đầu thu sẽ tăng cao, số tiền theo dự toán trước đây không cung cấp được nên Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo sẽ tính toán chính xác để xin điều chỉnh ngân sách.
Theo Quyết định 2451/QĐ-TTg kinh phí để chi hỗ trợ đầu thu cho hộ nghèo, cận nghèo là 1.710 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này được trích từ Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích. Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất, tổng số hộ nghèo, cận nghèo năm 2015 của cả nước là 3.581.775 hộ. Giá hỗ trợ đầu thu DVB-T2 tính trung bình là 600.000 đồng/bộ. Như vậy tổng số tiền dự kiến cần chi để hỗ trợ đầu thu ước tính là 2.149.065.000.000 đồng (hơn 2.149 tỷ đồng), cao hơn so với mức kinh phí được phê duyệt khoảng 439 tỷ đồng.
Nhưng với tình hình hiện thời thì chi phí mà nhà nước phải điều chỉnh để hỗ trợ đầu thu từ nay đến khi triển khai xong Đề án Số hóa truyền hình chắc chắn sẽ phát sinh thêm hàng trăm tỷ đồng.